Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Vận hội
chỉn 只
◎ Nôm: 㐱 / 軫 AHV: chỉ. Vận hội tiểu bổ do Phương Nhật Thăng nhà Minh ghi: “只: chương nhẫn thiết, âm chẩn” (只章忍切,音軫).
p. <từ cổ> chỉ có. Say rượu, no cơm cùng ấm áo, trên đời chỉn ấy khách là tiên. (Bảo kính 186.8)‖ (Đào hoa thi 230.3).
p. HVVD <từ cổ> vẫn, chỉ một mực. Còn miệng tựa bình đà chỉn giữ, có lòng bằng trúc mỗ nên hư. (Mạn thuật 34.3).
p. HVVD <từ cổ> nên. Dịch chữ tu 須, thiết 切 (nên). vốn không tướng nam nữ, nào chỉn ra chấp tướng < 本無女何須著相 [Tuệ Tĩnh- Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục 25b3], ấy đều lấy những sự đã nghiệm mà nghĩ xem chưng nhân nào, trong mình ta chỉn mựa ra chưng lòng tuyết bỏ < 此皆以驗而因由,切莫自生於退屈 [Tuệ Tĩnh- Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục 24b5]. Chỉn sá lui mà thủ phận, lại tu thân khác, mặc “thi thư”. (Mạn thuật 34.7)‖ (Tự thán 100.1)‖ (Tự thuật 115.3).
hoài 槐
dt. cây hoè. “Hoài” là âm phiên thiết đời Đường, sách Đường vận ghi: “Hộ quai thiết” (戸乖切), sách Tập vận, Vận hội ghi “hồ quai thiết, âm hoài” (乎乖切,𠀤音懷). “Hòe” là âm Hán Việt hiện nay vẫn dùng. Chẳng thấy phồn hoa trong khuở nọ, ít nhiều gưởi kiến cành hoài. (Tự thán 84.8). Đọc là “hoài” vì bắt vần với “ai”, “dài”, “tai”. Cho thấy, tiếng Việt thế kỷ XV tồn tại cả hai âm hoàihòe. Nhưng “hòe” tỏ ra phổ dụng hơn với 3 lần bắt vận với khuôn vần “-oe”.x. hòe.
cái 介
◎ Nôm: 丐, 𡛔 (thanh phù cái 丐). Âm phiên thiết: cổ bái thiết 古拜切 (Quảng vận) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 103], cư bái thiết, tịnh âm cái 居拜切,𠀤音戒 (Tập vận, Vận hội, Chính vận); AHV: giới.
tt. <từ cổ> lớn, to. Sách Nhĩ nhã ghi: “Cái: lớn vậy” (介大也). Kinh dịch ghi: “Nhận phúc lớn này, từ tiên Vương Mẫu” (受茲介福,于其王母), Vương Bật chua: (受茲大福) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 104]. Tiếng Việt còn bảo lưu một số từ như sông cái (>< sông nhánh), rễ cái (>< rễ phụ), cột cái (>< cột quân), đường cái (>< đường nhỏ), nhà cái,... Sau, mới chuyển thành danh từ với nghĩa (cái chủ, cái chính, kẻ đứng đầu, cầm trịch), như cầm cái, làm cái, bắt cái.
dt. HVVD. <từ cổ> mẹ [An Chi 2005 T2: 203], nghĩa này dẫn thân từ nghĩa “to, lớn”, như sông cái = sông mẹ [Paulus Của 1895: 90], do mẹ cũng có nghĩa tương tự: cái lớn cái nặng là mẹ, cái nhỏ cái nhẹ là con” [Từ hải, chuyển dẫn An Chi 2005 T2: 204]. Vì thế, cái đã chuyển dụng sang nghĩa “mẹ”, “giống cái”. (Ngôn chí 21.8). Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. (Huấn nam tử 192.1)‖ con dại cái mang tng. Đạo cái con: là đạo của con đối với mẹ, còn có biến thể đảo âm là “con cái”. Âm PVM: *ke? [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng kaj (18 thổ ngữ Mường), maj (2 thổ ngữ), me (4 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 219], kạn (Katu) [NH Hoành 1998: 252]. Cái / gái - mái - mẹ là các từ đồng nghĩa/ gần nghĩa vào thời cổ, có khả năng nghĩa gốc đều trỏ “giống cái” hoặc “mẹ”. Mẹ / mạ / / me (媽), mụ (媒), u (媼) là từ gốc Hán, cái / gái gốc Việt-Mường, mái chưa rõ gốc, nạ - bầm gốc Việt.
dt. <từ cổ> âm cổ của gái, phái sinh từ nghĩa ②, “mẹ” > giống cái, con gái nói chung. “Con cái: con trai và con gái, chỉ dùng cho người” [Rhodes 1651: 51]. Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.6). “Lại cái: nguyên là đàn ông mà giả dạng đờn bà; không phải đực không phải cái” [Paulus Của 1895: 90].